Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học này cả nước có gần 22 triệu HSSV. Trong đó có trên 3,3 triệu học sinh mầm non, hơn 16 triệu học sinh phổ thông, 710 nghìn học sinh trung cấp chuyên nghiệp và 1,65 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
Bộ GD-ĐT xác định năm học này, ngành giáo dục tập trung thực hiện ba cuộc vận động lớn là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đồng thời triển khai sâu rộng trong các trường mầm non, phổ thông phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng thực hiện 3 công khai trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập để người học và xã hội giám sát là công khai chất lượng đào tạo như: công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công khai thu - chi tài chính.
Và, thực hiện 4 kiểm tra là kiểm tra phân bổ và sử dụng ngân sách giáo dục - đào tạo; kiểm tra thu và sử dụng học phí trong các nhà trường; kiểm tra việc sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức cho nhà trường; kiểm tra thực hiện kiên cố hoá trường học, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
Học sinh lớp 6, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam trong Lễ khai giảng.
Tại Hà Nội, ngày 3/9, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dự Lễ khai giảng tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Chủ tịch nước đã biểu dương những thành tích xuất sắc của các thế hệ thầy, cô giáo và học sinh trường chuyên này đạt được qua chặng đường 23 năm thành lập và phát triển.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; đẩy mạnh giáo dục toàn diện; tích cực ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý, trong hoạt động dạy học... Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Khai trường trong nắng sớm đầu thu. (Ảnh: Hữu Nghị)
Cũng trong ngày 3/9, tại Yên Bái, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự và đánh trống khai trường tại xã Y Can, huyện Trấn Yên - địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lụt vừa qua.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương chính quyền tỉnh Yên Bái, huyện Trấn Yên và xã Y Can có nhiều nỗ lực nên chỉ trong gần 1 tháng đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra, giúp các em có một ngày khai trường đàng hoàng như hôm nay; đồng thời cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực để năm học mới không một học sinh nào đi học mà không có sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa để hỗ trợ mọi điều kiện giảng dạy và học tập tốt nhất cho giáo viên và học sinh, nhất là ở các vùng khó khăn.
Tại Hà Giang, không khí chuẩn bị năm học mới đang tràn ngập khắp các bản, làng. Ngay cả những huyện vừa bị tàn phá nặng nề của bão, lũ như Quang Bình, Bắc Quang, Yên Minh, Xín Mần, Vị Xuyên công tác chuẩn bị cũng được tiến hành khẩn trương. 24 điểm trường bị tốc mái đã được tu sửa xong.
Năm học mới này, ngành giáo dục tập trung ưu tiên phát triển ngành học mầm non ở các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào nhà trường... Hơn 450 tỷ đồng được huy động để xây dựng 1.884 công trình, góp phần đáng kể cải thiện cơ sở vật chất cho năm học mới...
Trong ngày 4/9, tại TPHCM cũng đã có rất nhiều trường đã tổ chức khai giảng. Gần 3.000 học sinh và thầy cô giáo trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hân hạnh được đón phu nhân của cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa và các lãnh đạo Thành ủy, Quận ủy. Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải dặn dò các thầy cô giáo trong toàn TP phải không ngừng nâng cao tri thức, các học sinh không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức.
Tiếng trống đón chào một năm học mới. (Ảnh: Đoàn Quý)
Được biết, để chuẩn bị cho năm học mới, ngành giáo dục TPHCM đã dành khoảng 20 tỷ đồng để mua trang thiết bị và thay sách cho lớp 12, trang bị sách dùng chung cho học sinh ngoại thành...
Đà Nẵng: Không để HS “không đạt chuẩn” lên lớp
Sáng nay, các trường phổ thông trên địa bàn TP Đà Nẵng long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2008-2009.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh đến dự lễ khai giảng năm học mới tại trường chuyên Lê Quý Đôn. Đây là trường đạt thành tích cao trong năm học vừa qua với hơn 90% học sinh đạt loại giỏi, 4 em học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi Olympic Quốc tế và 45 em đạt giải học sinh giỏi Quốc gia.
HS trường chuyên Lê Quý Đôn trong lễ khai giảng sáng nay, 5/9. (Ảnh: Khánh Hiền)
Trước thềm năm học mới, ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết: Năm học vừa qua, ngành giáo dục thành phố đạt nhiều kết quả khả quan, chất lượng giáo dục các bậc học cao hơn các năm trước song tỷ lệ học sinh giỏi đại trà vẫn còn thấp so với các thành phố lớn trong cả nước. Nguyên do là sự chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng trong thành phố dẫn đến sự phân hoá chất lượng giáo dục, nhiều trường học vùng ven còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.
Năm học này, ngành đã lên kế hoạch chỉ đạo các trường tổ chức khảo sát chất lượng học sinh ngay từ đầu năm học và tổ chức phụ đạo cho các học sinh yếu kém, kiên quyết không để xảy ra tình trạng học sinh “không đạt chuẩn” lên lớp.
Phú Yên: Giúp đỡ HS nghèo và dân tộc thiểu số
Trong dịp hè vừa qua, tỉnh Phú Yên đã đầu tư gần 51 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 9,4 tỷ đồng để xây mới 78 phòng học, sửa chữa trên 150 phòng học, trang bị 942 bộ bàn ghế và trang bị máy vi tính, thiết bị dạy học cho các trường học.
Để giảm bớt khó khăn cho gia đình và học sinh, vừa qua UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định bãi bỏ khoản thu Quỹ xây dựng trường lớp tại các cơ sở giáo dục công lập; đồng thời đã cấp không thu tiền cho 7738 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 là đồng bào dân tộc thiểu số ở 18 xã đặc biệt khó khăn, mỗi em một bộ sách giáo khoa và 10 quyển vở.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phân bổ cho các huyện 5 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo đi học. Theo đó, toàn tỉnh có 3.486 học sinh bán trú tại các trường mỗi em được hỗ trợ 140.000 đồng/tháng và 996 cháu mẫu giáo được hỗ trợ mỗi cháu 70.000 đồng/tháng.
Gia Lai: Hơn 350 nghìn HS đón chào năm học mới
Năm nay, số học sinh tại tỉnh Gia Lai tăng 17.144 em so với năm học trước. Trong đó, số học sinh tăng chủ yếu ở bậc THCS và THPT. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng 507 phòng học mới, sửa chữa 209 phòng và đóng mới 6303 bộ bàn ghế cho học sinh và giáo viên.
Kon Tum: Hỗ trợ HS dân tộc nghèo dịp khai giảng
Ngày 4/9, từ nguồn hỗ trợ của Công ty XSKT tỉnh, Hội Khuyến học Kon Tum đã trao 20 suất quà cho các học sinh dân tộc thiểu số nghèo của trường THCS Chu Văn An (phường Trần Hưng Đạo, TX.Kon Tum) nhân dịp khai giảng.
Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Kon Tum, ông Ka Ba Tơ cho biết, những ngày tới, Thường trực Hội sẽ đi thăm và hỗ trợ tiền (định mức 300.000 đồng/suất) cho các em học sinh dân tộc nghèo tại các vùng sâu, vùng xa nhằm giúp các em có điều kiện đến trường học tập.