Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, các dân tộc luôn kề vai sát cánh, gắn bó máu thịt bên nhau trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai địch họa và xây dựng đất nước.
Các dân tộc trên đất nước ta là một cộng đồng thống nhất trong đa dạng, cư trú phân tán và đan xen nhau trên mọi vùng miền của đất nước với cơ cấu dân số và trình độ phát triển không đồng đều. Bản sắc văn hóa từng dân tộc góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Đoàn kết các dân tộc luôn là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta. Đoàn kết gắn bó là đảm bảo sự sống còn của từng dân tộc cũng như của cả cộng đồng các dân tộc trong quá trình phát triển.
Các dân tộc sinh sống trên đất nước ta có chung một vận mệnh, sự liên kết các thành phần dân cư sớm có ý thức tự giác, cùng chung sống trong một đất nước ngay từ buổi bình minh của lich sử đã tạo nên một cộng đồng quốc gia dân tộc bền vững. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Từ điển địa danh văn hóa, lịch sử Việt Nam (các tác giả: Nguyễn Như Ý - Chủ biên, Nguyễn Thành Chương, Bùi Thiết) miêu tả hơn 5000 đơn vị địa danh gắn liền với các di tích văn hóa dạng vật thể và phi vật thể được sắp xếp theo các nhóm sau:
1.Những địa danh có các di tích lịch sử văn hóa như đền, đình, chùa, lăng, miếu, các đài tưởng niệm, các viện bảo tàng…đã hoặc chưa được Nhà nước xếp hạng, còn nguyên vẹn hoặc đã trở thành phế tích, hoặc chỉ còn tên gọi lưu trong các thư tịch.
2.Những địa danh gắn với những di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện và miêu tả, ghi chép trong các sách báo, tạp chí hoặc các thông báo khảo cổ học.
3.Những địa danh là các thắng cảnh nổi tiếng như núi, sông, hang động, vịnh, biển…đã trở thành các điểm du lịch, vui chơi giải trí có từ xa xưa hay mới được phát hiện, tạo dựng trong đó gồm những địa danh có các di sản văn hóa vật thể hoặc phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, những khu bảo tồn, vườn quốc gia…
4.Những địa danh là các làng nghề truyền thống, các làng hội, làng danh nhân.
5.Những địa danh hành chính từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các số liệu về diện tích, dân số, các quận, huyện, thị xã; số liệu tổng quan về các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch, lịch sử, di tích và danh lam thắng cảnh.
Tổ tiên ta từ bao đời đã đổ biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt trên từng tấc đất của Tổ quốc Việt Nam. Điều này đã khiến cho thiên nhiên Việt Nam đi vào đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, biết bao nhiêu địa danh trở thành thiêng liêng bởi chúng gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Bao địa danh đã gắn liền với tâm tư tình cảm, đi sâu vào tâm hồn của mỗi chúng ta. Bao nhiêu di tích lịch sử đã gợi lại cho chúng ta khí phách kiên cường, tình thương mênh mông và trí tuệ tuyệt vời của ông cha ta suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Danh lam thắng cảnh đối với chúng ta không chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên mà còn là vẻ đẹp của lòng người. Đó là nơi hội tụ của tâm hồn Việt Nam đã từ bao thế hệ nối tiếp nhau gắn bó với từng ngọn cỏ, từng bông hoa, từng dòng suối chảy và rộn ràng những tiếng chim ca…
Địa danh văn hóa, lịch sử chính vì thế không chỉ là tên đất, tên làng, tên núi, tên sông…mà đó chính là những mảnh tâm hồn Việt Nam gắn bó với nhau qua suốt chiều dài lịch sử oai nghiêm, hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Từ điển địa danh văn hóa, lịch sử Việt Nam là cuốn sách được nhiều độc giả yêu thích, trở thành sự mong mỏi của đông đảo độc giả Việt Nam cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài mỗi khi có dịp về thăm quê hương, đất nước.
Cuốn Từ điển tranh về các loài thú - Từ điển tranh về các loài chim (Lê Quang Long, Nguyễn Thị Thanh Huyền) đề cập đến gần 400 loài thú, 500 loài chim bao gồm các loài phổ biến ở Việt Nam và các loài đặc biệt trên thế giới.
Mỗi loài thú, loài chim được giới thiệu tên bằng tiếng Việt, tiếng Latinh, tiếng Anh và tiếng Pháp. Hầu hết các loài đều được mô tả ngắn gọn bằng các kiến thức sinh học như đặc điểm hình dạng, màu sắc; nêu tập tính, mùa sinh sản, nơi phân bổ và được minh họa bằng ảnh màu giúp bạn đọc nhận biết dễ dàng hơn.
Với nội dung khoa học, hình thức đẹp, cuốn sách sẽ là một tài liệu quý giúp bạn đọc hiểu biết thêm về thế giới động vật.
Chiếu dời đô được trình bày bằng 3 thứ tiếng Hán - Việt - Anh trên giấy dó truyền thống, là ấn phẩm đặc biệt của NXBGDVN chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nguyên bản tiếng Hán được trình bày trên mặt chính, mặt còn lại thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Toàn bộ thư pháp được trình bày trên nền hoa văn lá đề và rồng thời Lý, được vẽ hoàn toàn bằng tay. Sản phẩm là kết quả của 1000 giờ làm việc miệt mài của tập thể biên tập viên, họa sĩ của NXBGDVN đã đến tay bạn đọc đúng vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.